Hướng dẫn xây kênh Youtube Music từ A-Z (2024)
1. Xác định chủ đề, tạo kênh, ngâm kênh
A. Tìm chủ đề âm nhạc:
Trước khi tìm từ khóa thì anh chị em nên đọc trước nguyên tắc cộng đồng và chính sách kiếm tiền của Youtube, để tránh vi phạm quy định của họ. Anh chị em có thể truy cập đường link sau để đọc nguyên tắc cộng đồng của Youtube: https://support.google.com/youtube/answer/9288567
* Ở đây Damnsound hướng dẫn về xây kênh âm nhạc theo dạng video dài, hướng đến khán giả ngoại quốc, vì thu nhập từ lượt xem ở những quốc gia như Mỹ, Pháp, Nhật,… cũng cao hơn gấp nhiều lần so với lượt xem ở Việt Nam.
Sau khi nắm được sơ lược về quy định của Youtube. Anh chị em tiến hành tìm chủ đề âm nhạc mà mình muốn làm hoặc đang thịnh hành.
– Truy cập vào địa chỉ: https://keywordtool.io/ để bắt đầu tìm kiếm từ khóa liên quan đến chủ đề mà mình đang muốn làm. Anh chị em chỉ cần chọn nền tảng là Youtube, chọn ngôn ngữ (mặc định là tiếng Anh), sau đó gõ chủ đề của mình (Ví dụ: Music). Sau đó công cụ sẽ trả về một số từ khóa thịnh hành liên quan đến Music, muốn xem nhiều từ khóa hơn thì anh chị em phải trả phí cho nhà phát triển. Lưu lại những từ khóa mà anh chị em đã tìm được.
– Mở một trình duyệt ẩn danh, truy cập vào Youtube. (Do trình duyệt anh chị em đang sử dụng đã từng tìm kiếm trên Youtube, thuật toán cũng đã xác định khuynh hướng, cho nên nếu sử dụng trên trình duyệt cũ, kết quả tìm kiếm sẽ không thực sự chính xác).
– Anh chị em dán từ khóa đã lưu từ trang keywordtools và tìm kiếm. Nhấn vào bộ lọc ở góc phải, trong phần ngày tải lên, chọn mục tháng này hoặc năm này (tùy anh chị em linh động vì nếu tìm kiếm vào những ngày đầu tháng thì không thể chọn mục tháng này được). Sau đó tham khảo những video top đầu tìm kiếm có view cao liên quan đến chủ đề mà mình đang muốn làm, chọn lọc ra 5-10 kênh đang sở hữu những video view cao đó.
– Truy cập vào 5-10 kênh này, chọn danh mục phổ biến trong phần video, để tham khảo những video có lượt xem cao nhất. Tiếp tục chọn lọc những video có view cao từ những kênh này, sau đó tổng hợp lại và phân tích từ khóa nào thịnh hành và xuất hiện nhiều nhất ở tiêu đề của những video ấy. Từ đó anh chị em sẽ xác định được từ khóa ngách đang thịnh hành liên quan đến chủ đề Music.
– Mở lại trình duyệt cũ và cài VidIQ Extension (gõ từ khóa trên google là sẽ thấy hoặc bấm vào đây). Truy cập lại 5-10 kênh đã chọn lọc ở trên, lúc này có VidIQ hỗ trợ nên anh chị em sẽ thấy được từ khóa, số liệu thống kê chi tiết về video hoặc kênh của đối thủ.
– Nếu sử dụng điện thoại, anh chị em có thể truy cập vào https://tunepocket.com/youtube-tags-inspector/ để dán link video youtube vào đó nhờ nó lấy thẻ tag.
– Copy những thẻ tag tìm được (chọn lọc), rồi kết hợp với những từ khóa tiêu đề để bỏ vào kênh của mình ở bước sau (lưu tạm ở đâu đó).
B. Tiến hành tạo kênh và ngâm kênh:
a. Tạo kênh:
– Anh chị em nên tạo kênh trên một trình duyệt mới hoặc máy mới. Vì máy cũ và trình duyệt cũ chúng ta không biết được từng có “đụng chạm” gì với thuật toán của Youtube hay không, vì thế hãy cẩn thận ngay từ đầu.
– Đối với trường hợp tạo tài khoản google mới, anh chị em nên vào xác minh số điện thoại, bật bảo mật 2 lớp,… cho tài khoản google mới tạo, và gởi email qua lại với một số tài khoản gmail mà anh chị em đang xài (mục đích là để thuật toán đánh giá anh chị em là người thật, không phải robot hay cố tình tạo tài khoản ảo).
– Truy cập vào Youtube và đăng nhập tài khoản đã tạo. Sau đó tạo một kênh cá nhân mặc định (kênh này không phải để làm kênh chính thức nên anh chị em cứ tùy ý đặt tên).
– Tiếp theo truy cập vào phần cài đặt tài khoản Youtube có hình răng cưa (Hoặc đường dẫn sau: https://www.youtube.com/account) để tiến hành tạo kênh thương hiệu. Đây mới là kênh chính thức để anh chị em sáng tạo nội dung.
– Bấm vào mục tạo kênh mới và tiến hành đặt tên, đường dẫn cho kênh.
– Về tên kênh thì anh chị em xem lại từ khóa đang thịnh hành liên quan đến chủ đề Music đã tìm được từ Keywordtools, dựa theo đó để đặt tên kênh thương hiệu của mình.
– Ảnh đại diện chỉ dùng ảnh của anh chị em tạo ra hoặc tự chụp, hay logo thương hiệu cá nhân của anh chị em, không nên sử dụng ảnh có sẵn từ google.
– Tiếp theo, bấm vào ảnh đại diện của kênh Youtube, kéo xuống dưới đổi mục ngôn ngữ thành tiếng Anh, và địa điểm thành Hoa Kỳ.
– Truy cập vào trang Studio của kênh (https://studio.youtube.com) → bấm vào mục Settings (cài đặt – hình răng cưa) → bấm vào mục Channel → Dán bộ từ khóa và thẻ tag đã chọn lọc và lưu trữ ở phần A vào phần Keywords → Bấm tiếp vào phần Upload defaults → Dán tiếp bộ từ khóa và thẻ tag vào danh mục Tags bên dưới, sau đó bấm save (lưu lại).
– Anh chị em chịu khó tìm trên Youtube để xem video hướng dẫn cách xác minh 3 bước cho tài khoản Youtube nhé. Phải xác minh hết cả 3 bước, thì kênh anh chị em mới không bị giới hạn thời lượng và số lượng video đăng tải (nếu anh chị em từng xác thực nhiều lần, thì nên nhờ người thân xác minh hộ bằng giấy tờ hoặc xác minh khuôn mặt).
b. Ngâm kênh:
Sau khi tạo kênh và xác minh, đổi địa điểm và ngôn ngữ thành công, anh chị em làm mới lại ứng dụng hoặc xóa lịch sử duyệt web. Truy cập vào 5-10 kênh đã tìm kiếm được ở trên và bắt đầu xem video, like, bình luận như một người dùng tự nhiên, đều đặn như vậy từ 5-7 ngày.
Thời gian ngâm kênh này chính là thời gian trống để anh chị em cấp tốc sản xuất hàng loạt video để lên lịch cho kênh. Vì thế, chúng ta chuyển sang bước 2: Tìm nguồn âm thanh có thể sản xuất và thương mại.
Anh chị em có thể khai thác những hình thức kiếm tiền video từ âm nhạc khác như:
+ Remake lại những bài hát nổi tiếng
+ Tự sáng tác nhạc thiếu nhi
+ Làm kênh beats nhạc miễn phí
+ Làm dịch vụ nhạc quảng cáo
+ Hoặc miêu tả sản phẩm qua bài hát tự tạo để bán hàng dễ dàng và thú vị hơn,…
2. Tìm nguồn âm thanh giá rẻ
Có 2 nguồn âm thanh để anh chị có thể thương mại, tạo ra doanh thu trên các nền tảng như Youtube, Spotify, Tiktok,…:
– Nguồn âm nhạc từ nghệ sĩ thật:
+ Để mua độc quyền âm thanh từ nghệ sĩ thật là điều hoàn toàn không nên và cũng không khả thi đối với những người muốn kiếm tiền từ Youtube, Spotify, Tiktok,… Vì thực tế giá thành cho một beat nhạc độc quyền của nghệ sĩ thật là khá cao và không khả thi để đầu tư có lợi nhuận.
+ Có thể trả phí hằng tháng để sử dụng chung thư viện nhạc không bản quyền (có giấy tờ pháp lý rõ ràng để kháng cáo nếu có ai đó nhận vơ bản quyền) từ các địa chỉ uy tín như epidemicsound.com, bensound.com,… Tuy nhiên, những ai làm về sáng tạo nội dung đều biết rõ, một âm thanh mà có quá nhiều người sử dụng, cho dù có giấy tờ pháp lý rõ ràng, thì không hề thân thiện gì với thuật toán của nền tảng (dễ flop). Thêm nữa là âm thanh hay thì sẽ có nhiều người sản xuất, và khán giả sẽ không hề vui vẻ gì nếu họ phải nghe lại những thứ mà họ đã nghe, cho nên cũng khó giữ chân được khán giả nếu âm thanh đó họ đã nghe từ trước. Không giữ chân được khán giả (phần trăm thời lượng xem trung bình quá thấp), thì thuật toán tất nhiên sẽ đánh giá nội dung của chúng ta là quá tệ và rất khó có cơ may nào để video ăn được đề xuất.
– Nguồn âm nhạc từ AI:
+ Ưu điểm: Siêu rẻ, siêu nhanh, không dùng chung thư viện, tự tạo âm nhạc độc quyền không “đụng hàng” bất kì ai, có thể huấn luyện AI sử dụng giọng nói của chính anh chị em để làm giọng hát AI.
+ Hạn chế: Tác phẩm anh chị em tạo ra từ AI có thể bị ăn cắp và anh chị em không thể kiện cáo vì không đủ giấy tờ pháp lý chứng minh, do vấn đề cấp phép bản quyền cho tác phẩm của AI hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế và chưa có luật định cụ thể.
Tuy nhiên, anh chị em hoàn toàn có thể sử dụng nguồn âm nhạc từ AI để kiếm tiền trên Youtube, Spotify, Tiktok,.. và có thể kháng cáo nếu có ai đó nhận vơ bản quyền tác phẩm của anh chị em; với điều kiện:
1. Anh chị em phải sử dụng các gói trả phí của những công cụ AI tạo nhạc để được phép sử dụng cho mục đích thương mại. Họ sẽ cung cấp cho anh chị em những thông tin và giấy tờ cần thiết để chứng minh cho các nền tảng là anh chị em được phép sử dụng những tác phẩm đó từ họ (chỉ trong trường hợp nếu có ai đó nhận vơ bản quyền hoặc đôi khi bị thuật toán truy quét).
2. Anh chị em phải khai báo với các nền tảng là sản phẩm đó được thực hiện bởi AI. Điều này Youtube hay Tiktok đều có danh mục cho phép chúng ta khai báo trung thực từ ban đầu để không đánh lừa khán giả. Cho nên không có chuyện các nền tảng này cấm sử dụng AI hay sử dụng AI không được bật kiếm tiền đâu anh chị em nhé!.
Damnsound đã tìm hiểu, thử nghiệm, và tổng hợp hầu hết những công cụ AI tạo nhạc tốt và rẻ nhất hiện nay trên trang này. Damnsound có tóm tắt chi tiết cụ thể về prompt, giá cả, giấy phép thương mại, cách sử dụng,… của những công cụ AI tạo nhạc này. Anh chị em có thể tham khảo ở phần chi tiết công cụ AI bên dưới, hoặc có thể bấm vào đây.
Sau khi lựa chọn được nguồn âm nhạc, anh chị em có thể tạo nhạc theo chủ đề mà mình đã tìm ở bước đầu tiên (nếu nguồn âm nhạc là AI). Hoặc tìm theo thể loại, từ khóa để chọn nhạc và tải về máy (nếu nguồn âm nhạc là nghệ sĩ thật). Bước đầu xây kênh, thì anh chị em nên tính toán khoảng bao nhiêu bài nhạc trong một video, rồi sản xuất số lượng bài nhạc đủ sử dụng cho khoảng 30 video đầu tiên (đủ 1 tháng đăng video xuyên suốt – mỗi ngày một video).
Giải quyết xong vấn đề âm thanh, anh chị em tiến hành sang bước 3. Tạo video AI hoặc quay video trực tiếp.
3. Tạo video AI hoặc quay video trực tiếp
1. Quay video trực tiếp:
Nếu anh chị em có sẵn máy quay hay flycam, thì có thể tự đi tìm những địa điểm có khung cảnh phù hợp với chủ đề của mình rồi dùng nó để làm video cho âm thanh.
Ví dụ: Anh chị em làm về nhạc thiền thì có thể lên núi rừng tìm cảnh quay, làm nhạc beat rap thì ra đường phố, khu ổ chuột để lấy tư liệu làm video, hoặc làm nhạc chill thì có thể tìm quán cà phê,… Về cách quay hay bố cục góc máy, anh chị em nên tham khảo những kênh và video có nhiều view mà mình đã tìm được ở trên (nếu video họ cũng tự quay), dựa theo những cách họ đã làm sẵn rồi mình copy lại, đừng lo đụng hàng hay sao chép gì cả. Vì ở Việt Nam khung cảnh núi rừng hay quán cà phê, đường xá,… đều hoàn toàn khác biệt so với thế giới.
2. Tạo video bằng AI:
Nếu anh chị em không có máy quay hoặc không muốn quay, thì có thể sử dụng công cụ AI để tạo video hoặc tạo ảnh. Có rất nhiều công cụ AI tạo video, nhưng hầu hết đều trả phí và giá cả cũng không hề rẻ. Dưới đây là 2 công cụ tạo video được sử dụng miễn phí, giá cả phải chăng mà damnsound có tổng hợp được:
a. https://klingai.com
Hỗ trợ tạo video và tạo ảnh. Được sử dụng miễn phí (66 credit/ngày). Chỉ 3 đô la bản trả phí cho tháng đầu tiên.
b. https://artguru.ai/ai-video-generator
Chỉ cần truy cập và nhập yêu cầu, không cần đăng nhập. Hỗ trợ tạo video và tạo ảnh từ văn bản. Được sử dụng miễn phí (8 credit/ngày). Chỉ 4 đô la 1 tháng cho bản trả phí.
Truy cập vào một trong hai công cụ trên, hoặc bất kì công cụ AI tạo video nào mà anh chị em biết, nhập Prompt yêu cầu AI sản xuất video theo chủ đề mà mình yêu cầu.
Sau khi có đầy đủ tư liệu âm thanh và video hoặc hình ảnh, anh chị em tiến hành sang bước thứ 4: Chỉnh sửa video
4. Chỉnh sửa video
Anh chị em có thể sử dụng bất kì phầm mềm chỉnh sửa video nào, ở đây damnsound khuyên anh chị em nên sử dụng CapCut, có cả phiên bản mobile và PC, phần mềm này thì gần như không ai xa lạ gì nữa. Ai có máy tính cấu hình tạm ổn thì có thể xài CapCut PC. Không có máy tính hoặc máy tính cấu hình yếu thì xài CapCut Mobile.
Anh chị em có thể mua bản Pro từ nhà cung cấp, một tháng vài trăm nghìn. Muốn tiết kiệm chi phí, có thể vào https://taphoammo.net mua tài khoản CapCut Pro (chỉ mấy chục nghìn nhưng vẫn có bảo hành khiếu nại đổi trả nếu tải khoản bị lỗi), để sử dụng được hết những hiệu ứng, tính năng của phần mềm anh chị em nhé. Nếu không muốn mua thì vẫn có thể xài bản miễn phí vô tư, nhưng sẽ bị hạn chế nhiều hiệu ứng và tính năng chỉnh sửa hơn.
Về cách edit thì anh chị em nên tham khảo video hướng dẫn cụ thể trên Youtube, và tham khảo những video thịnh hành mà mình đã tìm được ở trên, xem cách họ edit, chèn logo, hiệu ứng, cuối video,… rồi mình học hỏi theo.
Như đã nói ở trên, anh chị em nên sản xuất hàng loạt khoảng 30 video hoàn chỉnh, để lên lịch đăng xuyên suốt mỗi ngày một video, 30 ngày chính là thời gian vừa đủ để mình vừa xây kênh vừa test kênh, nếu phát triển thì làm tiếp, không phát triển thì nên chuyển chủ đề, không nên cố chấp vào một chủ đề quá lâu.
Có video hoàn chỉnh, anh chị em chuyển sang bước thứ 5: Tạo thumbnail
5. Tạo thumbnail
– Anh chị em nào có máy tính, thì có thể dùng Photoshop để edit thumbnail (nếu máy tính cấu hình yếu thì tải Photoshop Portable về xài trực tiếp không cần cài đặt). Không có máy tính thì có thể tải app thumbnailmaket trên điện thoại để edit ảnh bìa cho đúng kích thước. Để làm nét ảnh, xoá nền ảnh nhanh chóng, dùng được cho cả máy tính và điện thoại, anh chị em có thể tham khảo công cụ https://snapedit.app.
– Kích thước ảnh bìa (thumbnail) chuẩn của Youtube có tỉ lệ là 16:9 (1280px x 720px)
– Ảnh thumbnail phải giống với hình ảnh có trong video. Nếu hình ảnh trong video một đàng, còn ảnh bìa video (thumbnail) một ngã, thì rất dễ bị thuật toán quét lỗi “đánh lừa người xem” và bị tắt kiếm tiền.
– Để lấy hình ảnh sắc nét trong video, anh chị em truy cập https://ezgif.com/video-to-jpg và tải đoạn video gốc từ AI (ngắn) để công cụ hỗ trợ xuất ảnh.
– Tiếp tục tham khảo các kênh “đối thủ” ở trên, xem cách họ edit thumbnail như thế nào, có ghi chữ trên ảnh hay không, rồi dựa theo đó mà làm theo.
– Sở dĩ damnsound bảo anh chị em nên học hỏi ở những kênh “đối thủ” là bởi những cách họ làm, đã được đề xuất từ thuật toán và có lượng khán giả quan tâm nhiều, mình học theo họ thì đỡ phải tốn thời gian tìm hiểu về thuật toán và thói quen của khán giả, bài học “đứng trên vai người khổng lồ” nên áp dụng, nên nhớ mục đích chính của anh chị em là kiếm tiền, không phải kiếm tiếng nên không cần phải sĩ diện gì ở đây cả.
– Sau khi có ảnh bìa, có video, anh chị em chuyển sang bước thứ 6. Chọn khung giờ đăng video
6. Chọn khung giờ đăng video
Anh chị em có thể truy cập vào địa chỉ https://views4you.com/tools/best-time-to-post-on-youtube hoặc https://influencermarketinghub.com/best-times-to-publish-youtube-videos để tham khảo công cụ thống kê thời gian đăng video viral ở nhiều quốc gia và nhiều nền tảng. Tất nhiên hai công cụ này tham khảo thôi anh chị em nhé, không phải chính xác tuyệt đối nhưng ít ra họ vẫn có công cụ thống kê.
Tùy đối tượng khán giả ở quốc gia nào anh chị em nhắm đến, mà nghiên cứu khung thời gian đăng video cho phù hợp, theo đúng múi giờ của quốc gia đó.
Ban đầu thì tham khảo công cụ này hoặc anh chị em tự suy luận, ví dụ làm về âm nhạc ngủ ngon thì nên đăng khuya một chút, vì khán giả họ hay mở nhạc nhẹ nhàng để nghe trong lúc ngủ, ban đầu thì cứ dò đoán như vậy. Về sau anh chị em có khán giả rồi, thì sẽ xem được số liệu thống kê khung giờ nào khán giả của mình xem nhiều nhất, rồi mới điều chỉnh rồi đăng video cố định vào khung giờ đó.
Chọn được khung giờ để đăng video, anh chị em chuyển sang bước thứ 7: Đăng video, đặt tiêu đề, mô tả, ghim bình luận.
7. Đăng video, đặt tiêu đề, mô tả
Lưu ý: Tất cả nội dung đều nên được sử dụng bằng tiếng Anh, không nên chèn thêm tiếng Việt.
Tiêu đề video: Anh chị em tham khảo lại video của các kênh “đối thủ”, rồi dựa theo đó cải biên lại tiêu đề thành của mình cho phù hợp, nên cải biên lại chứ đừng copy paste nhé, làm cho khác đi cái của người ta nhưng vẫn giữ được từ khoá chính của video là được. Hoặc anh chị em có thể truy cập vào công cụ https://aiktp.com để tham khảo tiêu đề, từ khoá liên quan, và rất nhiều công cụ hữu ích khác từ con AIKTP này (Nếu sử dụng dịch vụ từ AIKTP, anh chị em nhập mã DAMNSOUND để được giảm giá 10%). Hay đơn giản hơn là copy tiêu đề video của kênh “đối thủ”, sau đó gởi vào ChatGPT, nhờ nó viết lại cho 10 tiêu đề liên quan đến tiêu đề gốc, rồi anh chị em chọn lọc để sử dụng.
Nội dung mô tả: Anh chị em viết một đoạn giới thiệu ngắn mô tả về video, có thể nhờ ChatGPT viết hộ, rồi dán vào phần mô tả của video đăng tải, copy thêm những thẻ từ khoá đã lưu mặc định sẵn ở phần thẻ tag rồi dán vào. Không đặt liên kết (link) trong mô tả hay ghim link bình luận gì vội, kể cả link facebook. Khi nào phát triển có khán giả ổn định rồi hãy nghiên cứu đặt sau.
Đừng quên để thêm lời kêu gọi ‘Help the channel reach 1k or 10k subs’ (khá hiệu quả).
Tab cộng đồng: Anh chị em nên đăng ảnh hoặc thăm dò ý kiến liên quan đến chủ đề của kênh ở mục cộng đồng để tạo thêm tương tác cho kênh. Hạn chế share link video của kênh vào tab cộng đồng, chỉ post ảnh để lấy tương tác. Khi khán giả tương tác vào ảnh, thì lúc lướt ra bên ngoài thuật toán sẽ đề xuất video từ kênh của anh chị em, nên đừng lo không share link thì không ai thấy video. Anh chị em cứ post ảnh liên quan đến chủ đề của kênh đều đặn để lấy tương tác là được.
Anh chị em chuyển sang bước thứ 8: Lên lịch hàng loạt video
8. Lên lịch hàng loạt video
Tiến hành đăng hàng loạt video lên kênh (nên đăng mỗi ngày khoảng 10 video, 3 ngày là đủ 30 video để tiến hành lên lịch hàng loạt, những video này ban đầu đăng lên anh chị em nhớ để tất cả về chế độ riêng tư). Sau đó bắt đầu lên lịch hàng loạt theo một khung giờ nhất định, mà anh chị em đã tìm được từ những công cụ ở bước 6.
Thời gian chờ đợi kênh đó phát triển, anh chị em có thể tiếp tục xây một vài kênh khác, hoặc có thể làm công việc khác. Đừng suốt ngày truy cập vào kênh ngồi đếm views, đếm subs, hay đọc số liệu thống kê rồi chỉnh sửa gì anh chị em nhé (rất nhiều anh chị em hiện nay đang như vậy). Làm như thế anh chị em sẽ rất dễ bị nản lòng, phân tâm, rồi chỉnh sửa lung tung, thì khả năng kênh bị flop luôn là rất lớn.
Vì thuật toán Youtube còn lập chỉ mục, phân loại nội dung, sau đó mới đề xuất video đến đối tượng khán giả quan tâm đến nội dung đó. Nên xây một kênh Youtube mới, đôi khi 10-20 video đầu tiên không có đề xuất nào, chỉ có vài chục view vài trăm view hoặc thậm chí không có view là điều bình thường. Có những video đăng vài tháng không có view, nhưng nửa năm sau lại ăn đề xuất là điều không có gì quá xa lạ trên Youtube. Nếu giai đoạn xây kênh này mà chúng ta nản chí, thì coi như chúng ta thất bại. Và cách để không nản chí thì như đã nói ở trên, đừng suốt ngày vào đó kiểm tra số liệu làm gì cả, cứ thong thả đi làm việc khác hoặc xây kênh khác (cũng cách làm tương tự), khi nào kênh có đề xuất mạnh thì hãy bắt đầu vào nghiên cứu và định hướng cho kênh. Việc đăng một vài video rồi ăn đề xuất bật kiếm tiền luôn là có nhưng rất hiếm, trừ khi nội dung của mình rất đặc biệt, tạo được trend, hoặc mình có lượng khán giả lớn ở các nền tảng khác.
Tất nhiên, nếu khoảng 1 tháng mà không ăn đề xuất nào hay không có view thì phải nghiên cứu lại anh chị em nhé. Để đỡ mất thời gian, như đã nói ở trên, anh chị em nên lên lịch đăng video, rồi tiếp tục làm việc khác hoặc xây kênh khác, nếu anh chị em có vốn thuê người làm hay có nhân lực, có team, thì cố gắng một lúc làm 5-10 kênh, kênh nào lên thì mình làm kênh nào xịt thì mình ngưng. Ba mươi ngày không phải là quy chuẩn để biết chính xác kênh có bị flop hay không, nhưng với damnsound thì một tháng là khoảng thời gian vừa đủ, để mình xác định phải nghiên cứu lại vấn đề của kênh nếu nó không phát triển.
Nếu anh chị em tâm huyết với chủ đề mình đang làm, có thể đầu tư vào đó bằng cách thuê đăng bài ở các hội nhóm, hoặc chạy quảng cáo trực tiếp từ Youtube để nhanh có lượt xem cho video. Anh chị em tham khảo bước thứ 9: Quảng bá video
9. Quảng bá video
Free traffic: Anh chị em có các kênh truyền thông, hay tham gia hội nhóm cùng chủ đề của kênh, thì có thể share video về các kênh đó để kéo người xem. Nếu có email list cùng chủ đề thì anh chị em cũng có thể soạn email để quảng bá khi công chiếu video.
Paid traffic: Anh chị em nào tâm huyết với chủ đề mình đang làm, thì chọn lọc một vài video cảm thấy ưng ý nhất, rồi chạy ads từ google hoặc facebook để kéo views (có thể thuê các hội nhóm cùng chủ để để ghim video). Còn chạy như thế nào mới có hiệu quả và tiết kiệm chi phí, thì anh chị em chịu khó tham khảo các video hướng dẫn trên Youtube nhé.
Chạy quảng cáo thì tăng thêm độ uy tín cho kênh chứ không có vấn đề gì về thuật toán cả. Chỉ có vấn đề là khi anh chị em kéo người xem video quảng cáo đó nhiều, rồi các video sau lại làm nội dung khác với video chạy quảng cáo đó, thì đôi khi sub tăng mà video mới lại không có mấy người xem. Nên nhiều anh chị em tưởng lầm là do chạy quảng cáo nên kênh bị bóp tương tác.
Sau khi kênh có đề xuất, đủ điều kiện trở thành đối tác Youtube, anh chị em chuyển sang bước thứ 10, cũng là bước cuối cùng: Phát triển kênh sau khi bật kiếm tiền
10. Phát triển kênh sau khi bật kiếm tiền
Sau khi kênh có đề xuất và đủ điều kiện trở thành đối tác của Youtube, anh chị em gởi đăng ký và chờ duyệt theo hướng dẫn của Youtube trong Studio của kênh. Những vấn đề như cách tạo Adsense để nhận tiền Youtube, hay cách bật kiếm tiền Youtube, đều đã được chia sẻ rất nhiều và chi tiết trên Youtube, anh chị em chịu khó tìm hiểu nhé.
Khi kênh đã bắt đầu phát triển, anh chị em phải xem lại những video được đề xuất có view cao và mang lại nhiều subs nhất cho kênh, rồi dựa vào nội dung âm thanh, hình ảnh của video đó để sản xuất tiếp những video khác tương tự như vậy, mục đích là giữ chân số lượng lớn khán giả từ những video đề xuất, bởi vì họ biết kênh mình nhờ video kiểu như thế, nhưng sau đó mình lại làm video khác đi, thì tất nhiên họ sẽ không tiếp tục quan tâm đến là điều dễ hiểu.
Nhiều anh chị em được đề xuất vài video, bật kiếm tiền rồi nhưng sau đó kênh lại không có view, một tháng thu nhập chỉ vài đô la, thì có thể là do anh chị em chưa nắm bắt được điều ở trên, cứ lo mải mê sản xuất nội dung theo định hướng ban đầu, cho nên nhiều khi kênh có người đăng ký mà không có người xem video mới là vì vậy.
Và đến giai đoạn này, thì việc còn lại là ở anh chị em, anh chị em phải dựa vào số liệu thực tế của kênh để nắm bắt thói quen của khán giả rồi điều chỉnh dần cho phù hợp để tiếp tục phát triển kênh. Nhận được tháng lương đầu tiên là tự anh chị em sẽ tăng 200% sự sáng tạo, mày mò, học hỏi ngay thôi!.
Mến chúc anh chị em ai cũng gom được triệu đô la từ Youtube để về đóng thuế cho quê hương!
- All Posts
- Affiliate
- AI Music
- ChatGPT
- Youtube